Mô tả sản phẩm
Khi có nhiều dâu tây tươi ăn không kịp, bạn đừng quá lo lắng vì bạn có thể chế biến chúng thành mứt dâu để dự trữ ăn dần. Mứt dâu có thể phết lên bánh mì ăn sáng hoặc dùng pha xi rô uống rất ngon. Những ngày nắng nóng chỉ cần một vài thìa mứt dâu tây, cho thêm ít nước sôi nguội và chút đá lạnh thì không còn gì bằng!
Mứt dâu tây Đà Lạt DaLaVi. Trọng lượng thực: 500gr
Nếu không có thời gian chế biến, hãy để DacsanDaLat.biz mang đến cho bạn những hũ mứt dâu tây ngon nhất nhé. Bằng quy trình chế biến và bảo quản nghiêm ngặt, mứt dâu tây sẽ tiếp tục là sản phẩm mà bạn không thể bỏ qua
Thu đông là mùa của dâu tây (dâu Đà Lạt). Loại trái cây này ích lợi cho sức khoẻ vì dồi dào chất chống ôxy hoá (giúp giữ ổn định hệ thống tim mạch), chất chống viêm (ngừa ung thư hữu hiệu), giàu vitamin C (giúp tăng sức đề kháng), magiê (giúp giữ gìn sức khoẻ xương, răng), kali (bảo vệ cơ bắp, hệ thần kinh, giảm nguy cơ huyết áp cao)…
Món mứt dâu có thể dùng để phết bánh mì sandwich, ăn chung với món corn flakes hay làm sirô mứt dâu đá bào, sữa chua…
Bài viết này cũng sẽ chia sẻ đến bạn cách thức làm Mứt dâu tây, nào cùng bắt đầu:
Nguyên liệu:
- Dâu tây tươi: 1kg
- Đường cát trắng: 0,6-1kg
Một chút lưu ý nhỏ: Khi chọn mua dâu tây, các bạn nhớ chọn những quả dâu chín mọng, đều, căng, không dập nát, còn nguyên cuống xanh. Chọn được những quả dâu như vậy, lọ mứt của bạn sẽ giữ được lâu, quả dâu sau khi thành mứt sẽ còn nguyên hình, mứt thơm dẻo.
Cách làm:
Làm mứt dâu tây không cầu kỳ và khá đơn giản, tuy nhiên đòi hỏi nơi bạn sự nhẹ nhàng, chút kiên nhẫn và chút thời gian.
Bước 1 – Rửa dâu: Đây là công đoạn đòi hỏi sự cẩn thận và chút tỉ mẩn. Dâu tây rất dễ nát vì vậy bạn không thể rửa thứ quả mọng đỏ này một cách vội vàng.
Trước tiên, ngâm dâu tây vào chậu nước trong vòng từ 5-10 phút. Sau đó cẩn thận rửa nhẹ từng quả dưới vòi nước chảy khẽ.
Rửa xong, bạn tiếp tục ngâm chúng trong chậu nước muối pha loãng từ 10-15 phút.
Vớt ra, để ráo, bỏ cuống xanh, và tráng qua dâu tây đã bỏ cuống bằng một lượt nước sôi. Để ráo, cho dâu vào bát.
Bước 2 – Ngào đường:
Cho dâu vào bát to, đổ đường cát trắng vào theo tỉ lệ: cứ 1 kg dâu ngào với từ 600gr đến 1kg đường (tùy theo khẩu vị của bạn muốn mứt có vị chua nhẹ hay ngọt đậm).
Xóc đều dâu với đường. Để dễ trộn đều, bạn nên trải 1 lớp dâu – 1 lớp đường. Chú ý không được dùng bất cứ loại vật dụng nào (như thìa, đũa hay nĩa…) để trộn hỗn hợp đường – dâu, bởi làm vậy dâu tây sẽ bị nát.
Để hỗn hợp này ở nơi thoáng mát trong vòng từ 4-5 tiếng (nếu có thể, tốt nhất bạn nên bắt đầu ngào đường vào tối và để hỗn hợp này qua 1 đêm) cho tới khi nước trong quả dâu và đường tan chảy, hòa quyện vào với nhau.
Bước 3 – Nấu mứt:
Sau khi hoàn thiện công đoạn 2, bạn đổ hỗn hợp vào nồi. Tuyệt vời nhất nếu mứt dâu được đun trong nồi có đáy 2-3 lớp hoặc nồi thủy tinh.
Đặt nồi hỗn hợp lên bếp, vặn lửa ở mức vừa. Lưu ý: hỗn hợp sôi rất nhanh và mau cạn nên đòi hỏi bạn phải luôn có mặt khi đun mứt. Khi hỗn hợp bắt đầu sôi, bạn nhớ hạ ngay lửa xuống mức nhỏ nhất, chỉ để liu riu.
Thỉnh thoảng dùng tay lắc nồi để cho những quả dâu được xoay đều, ngấm đều. Chú ý không được đậy nắp nồi và cũng không được dùng bất cứ vật dụng nào để quấy.
Đun hỗn hợp với lửa liu riu trong vòng 5-8 phút, sau đó tắt bếp, bắc nồi và để nguội hỗn hợp.
Sau khoảng 4-5 tiếng để nguội hỗn hợp, bạn lại tiếp tục bắc bếp và lặp lại công đoạn: đun sôi – để lửa liu riu trong vòng 5-8 phút, rồi lại để nguội.
Cứ lặp lại công đoạn đun-để nguội như vậy khoảng 4-6 lần, cho tới khi bạn thấy hỗn hợp đặc sánh lại. Lúc đó, món mứt của bạn đã được hoàn thành.
Quá trình đun mứt có vẻ cầu kỳ và đòi hỏi thời gian, tuy nhiên, kết quả thu được chắc chắn sẽ làm bạn hài lòng. Món mứt này rất dễ dùng, bạn có thể ăn mứt không, hoặc phết mứt lên bánh quy giòn, bánh mỳ bơ hay uống cùng cốc trà đen nóng để xua tan giá lạnh ngày đông.
Chúc các bạn bốn mùa tươi, ngọt ấm!